GD&TĐ -Ngoài việc quan hệ tình dục không được bảo vệ, có khi nào hôn cũng là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh lậu?
Vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể tồn tại ở nhiều vùng ấm và ẩm khác nhau trên cơ thể. (Ảnh: ITN) |
Theo giới chuyên gia, không chỉ đường sinh sản có thể bị nhắm mục tiêu mà còn cả miệng và cổ họng.
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) khi ai đó “gần gũi” với người bị nhiễm bệnh.
Nếu bị ảnh hưởng, một người có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào hoặc cảm thấy đau khi đi đi tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường. Thực tế, vi khuẩn gây nhiễm trùng này có thể tồn tại ở nhiều vùng ấm và ẩm khác nhau trên cơ thể.
Hiểu hơn về bệnh lậu
Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra và chủ yếu ảnh hưởng đến màng nhầy của đường sinh sản.
Tiến sĩ, bác sĩ phụ khoa Sriprada Vinekar (Ấn Độ) cho biết: “Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae cũng có thể lây nhiễm sang các khu vực khác, bao gồm cả cổ họng và trực tràng”. Nó lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, điển hình là trong hoạt động tình dục.
Dưới đây là một số phương thức lây truyền:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo với người bị nhiễm bệnh.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến bệnh lậu ở miệng, ảnh hưởng đến cổ họng.
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh có thể truyền STI này sang con.
Các triệu chứng của bệnh lậu
Chuyên gia cho biết, một số người không gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh nhiễm trùng này, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nhưng một số triệu chứng liên quan đến bệnh lậu ở phụ nữ bao gồm:
- Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Sự thay đổi về số lượng hoặc màu sắc của dịch tiết âm đạo.
- Chảy máu ngay cả khi không có kinh nguyệt.
- Đau vùng bụng dưới, có thể kèm theo cảm giác khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Sưng quanh âm đạo hoặc xương chậu.
Trong trường hợp bệnh lậu ở miệng, bạn có thể bị đau và khó chịu khi nuốt, có mảng trắng hoặc tổn thương ở cổ họng và sưng hạch bạch huyết.
Sự thật về việc mắc bệnh lậu khi hôn
Bác sĩ Sriprada Vinekar cho biết: “Nếu có tình trạng nhiễm trùng đang diễn ra ở cổ họng, nụ hôn có thể truyền vi khuẩn, đặc biệt nếu người bị nhiễm bệnh có vết cắt hoặc vết loét”.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet năm 2019, hôn sâu, liên quan đến trao đổi nước bọt, có thể dẫn đến lây truyền bệnh lậu.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Bệnh lây truyền qua đường tình dục vào năm 2023 cho thấy hôn bằng lưỡi là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng.
Chuyên gia cho biết thêm: “Điều này thường xảy ra khi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae xâm nhập vào cổ họng, điển hình là qua quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn hiện diện trong nước bọt hoặc trên bề mặt màng nhầy trong miệng và cổ họng.”
Ăn chung có gây bệnh lậu không?
Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục với màng nhầy bị nhiễm bệnh. Chuyên gia cho biết: “Khi chia sẻ thức ăn hoặc uống chung ống hút, sử dụng chung đồ dùng được coi là hoạt động có nguy cơ lây truyền bệnh khá thấp”.
Nó cũng không lây lan qua việc ôm, sử dụng bệ toilet, dùng chung khăn, cốc hoặc dao kéo với người bị nhiễm bệnh. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh, đó là vì vi khuẩn gây ra bệnh nhiễm trùng này không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người.
Cách giảm nguy cơ lây truyền bệnh lậu qua đường miệng
Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng để giảm tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh.
Xét nghiệm STI thường xuyên cho những người có hoạt động tình dục, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình, có thể giúp xác định và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng.
Không có nhiều bạn tình có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với STI.
Nói chuyện với bạn tình của bạn về STI cũng như lịch sử xét nghiệm.
Điều trị STI
Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm STI hoặc đã tiếp xúc với nó qua hôn hoặc bất kỳ phương tiện nào khác, hãy liên hệ với bác sĩ. STI có thể điều trị được bằng kháng sinh, điển hình là phương pháp trị liệu kép, bao gồm:
- Ceftriaxone: Thuốc tiêm hoặc thuốc uống.
- Azithromycin: Thường dùng liều duy nhất.
Nước súc miệng sát trùng cũng có thể hữu ích trong trường hợp bệnh lậu ở miệng. Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, các nhà nghiên cứu phát nước súc miệng sát trùng làm giảm đáng kể lượng Neisseria gonorrhoeae trên bề mặt hầu họng (cổ họng).
Bệnh lậu do hôn không phải là cách lây truyền bệnh phổ biến nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu bạn bị ảnh hưởng, hãy hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị và cố gắng không tham gia vào hoạt động tình dục cho đến khi được bác sĩ cho phép để ngăn ngừa lây nhiễm.
Theo healthshots.com
Nguồn giaoducthoidai.vn