Nhà văn hóa (NVH) không chỉ là ngôi nhà chung cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, NVH còn đang gìn giữ những nét đẹp bản sắc văn hóa đặc sắc, phản ánh bộ mặt Nông thôn mới của vùng quê cách mạng Sơn Dương, Tuyên Quang .
Vai trò của nhà văn hoá trong đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của huyện Sơn Dương nói riêng ngày càng được khẳng định; tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới. Nhà văn hoá như một yếu tố quan trọng góp phần vào việc đẩy mạnh nếp sống văn hoá trong khu dân cư, nâng cao hiệu quả xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá; góp phần lớn cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới thành công.
Từ nhiều năm qua, nhà văn hóa thôn, xóm là nơi thường diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ (VH-VN), thể dục thể thao (TDTT) truyền thống của cộng đồng dân cư. Bởi vậy nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của mỗi thôn xóm, góp phần bảo vệ và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống, đồng thời xây dựng những nếp sinh hoạt văn hóa văn minh trong cộng đồng dân cư; thắt chặt tình đoàn kết tình làng nghĩa xóm ngày càng cởi mở, thân thiện.
Ngày 21/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Đề án lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, hoạt động thể thao, đặc biệt đối với Nhân dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong tỉnh.
Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Hồng Sơn, Sơn Dương được xây dựng từ lồng ghép các nguồn vốn Chương trình MTQG và người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp.
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM năm 2025, đồng thời hiểu được vai trò, ý nghĩa của nhà văn hóa cộng đồng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Huyện Sơn Dương đã vận dụng linh hoạt khi sử dụng nguồn vốn địa phương với lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa huy động nguồn lực trong dân; hỗ trợ từ các doanh nghiệp địa phương… Nhờ đó, nhiều nhà văn hóa đã nhanh chóng được xây dựng lên khang trang, sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo thôn xóm; người dân phấn khởi hưởng thụ lợi ích, phong trào VH-VN, TDTT, lễ hội truyền thống đang tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Thôn An Mỹ, thôn đặc biệt khó khăn của xã Vân Sơn (nay là xã Hồng Sơn) với hơn 60% là đồng bào người dân tộc Cao Lan. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn chia sẻ: “Năm 2023 thôn An Mỹ hoàn thành xây dựng nhà văn hóa với số tiền 640 triệu đồng, trong đó: 300 triệu đồng là nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; 200 triệu đồng từ Công ty TNHH 27-7 và 140 triệu đồng nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp.
Có nhà văn hóa mới, 245 hộ dân dùng làm nơi sinh hoạt chung thường xuyên cho các hoạt động như: hội họp, tiếp xúc cử tri, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hàng ngày. Hiện thôn đang tiếp tục thực hiện xóa nhà dột nát cho gần 10 hộ (tổng số 21 hộ), mỗi hộ được Ngân hàng Agribank Tuyên Quang hỗ trợ 50 triệu đồng. Đến nay nhiều hộ đã hoàn thiện nhà mới và đưa vào sử dụng, góp phần ổn định đời sống, người dân phấn khởi, vững tin hơn vào Đảng, chính quyền”.
Người dân thôn An Mỹ vui vẻ chia sẻ: Thôn có nhà văn hóa mới, người dân rất phấn khởi, mọi người đều được hưởng lợi. Buổi sáng, chiều là tổ chức đánh bóng chuyền hơi, cầu lông; trẻ em chơi bóng đá; buổi tối tổ chức văn nghệ, hát múa Sình Ca. Ngày lễ Tết NVH lúc nào cũng đông người vui chơi, hoạt động cộng đồng ở nhà văn hóa giúp bà con gần nhau hơn, biết động viên, chia sẻ giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên.
Nhà văn hóa thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng luôn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, lễ hội vui chơi giải trí của người dân. Ảnh: Minh Nguyen
Là một trong những điểm sáng trong đổi mới phương pháp quản lý và hoạt động nhà văn hóa, xã Phúc Ứng (huyện Sơn Dương) đã có nhiều cách làm sáng tạo thu hút, khuyến khích người dân ủng hộ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm và tích cực sinh hoạt tại nhà văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện Sơn Dương đã khuyến khích, động viên đội ngũ đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Phúc Ứng tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, góp tiền của, góp công sức để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như: đường liên xã, liên thôn, nội thôn, nội đồng, nhà văn hóa, xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo, gia đình chính sách.
Chỉ trong năm 2023, xã Phúc Ứng đã hoàn thành làm mới 9 nhà văn hóa thôn, trong đó, mỗi nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, còn lại do nhân dân đóng góp. Mỗi nhà văn hóa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng có giá trị đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng, có thôn người dân tích cực đóng góp xây nhà văn hóa có giá trị trên 1 tỷ đồng. Tới nay 21/21 thôn trong toàn xã đã có nhà văn hóa khang trang, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân.
Ngày 12/10, xã Phúc Ứng tổ chức giao lưu bóng chuyền hơi nam tại NVH thôn Liên Thành.
Ông Đinh Công Phú, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Liên Thành cho biết, nhà văn hóa thôn vừa đưa vào sử dụng trong năm 2023 với tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.
Công trình có sức chứa 150 chỗ ngồi với đầy đủ các hạng mục phụ trợ như nhà để xe, sân bóng chuyền, sân khấu ngoài trời. Bên trong nhà văn hóa có đầy đủ trang thiết bị như bàn ghế, tăng âm, loa đài… phục vụ cho hoạt động của nhân dân. Không chỉ đóng góp xây dựng nhà văn hóa khang trang, Nhân dân thôn Liên Thành còn đóng góp trên 50 triệu đồng để bê tông hóa trên 400 mét đường nội đồng, nội thôn.
Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết: “Xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần; người dân trong xã đã hồ hởi chung tay tham gia, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng NVH cùng với nguồn vốn lồng ghép của UBND huyện, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay 21/21 thôn của xã có nhà văn hóa. Có nhà văn hóa, bà con có chỗ để sinh hoạt cộng đồng, nhiều chương trình tập huấn nông nghiệp; hướng nghiệp dạy nghề,… được triển khai đến người dân. NHV còn là nơi người dân vui chơi, giải trí; tổ chức lễ tết, hội hè; tổ chức biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao; các cháu thiếu niên, nhi đồng có sân chơi lành mạnh, an toàn”.
Nhà văn hóa luôn là địa điểm hấp dẫn mọi người dân trong thôn tổ chức các hoạt động thường nhật, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, TDTT, tập huấn, hội họp.
Nghị quyết số 88/NQ-HĐND huyện Sơn Dương thông qua Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn huyện đã tạo thêm động lực để các địa phương có thêm điều kiện đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo báo cáo từ Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương. Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 – 2025, các xã trong huyện được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS. Các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Một trong những dự án quan trọng được Sơn Dương khẩn trương triển khai là Dự án 4: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và Tiểu dự án 18 (Dự án 6): Hỗ trợ đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN, cụ thể: Năm 2023, toàn huyện đã giải ngân tổng số vốn 13 tỷ 392 triệu đồng, đạt 92/74% kế hoạch trong mục tiêu hỗ trợ xây dựng 41 nhà văn hóa tại các thôn xóm (có 35 nhà văn hóa được hỗ trợ 300 triệu đồng/NVH). Năm 2024, huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để xây mới và hoàn thiện các công trình NVH triển khai từ năm 2023.
Nhà văn hóa thôn, xóm đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Mỗi thôn, xóm là một minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa nông thôn. Những công trình nhà văn hóa đang hoạt động hiệu quả ở các xã, thị trấn của huyện Sơn Dương chính thể hiện sự thống nhất, đồng lòng của chính quyền và nhân dân. Nhà văn hóa đang góp phần giúp thay đổi bộ mặt nông thôn; gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm, góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chung tay xây dựng Sơn Dương ngày càng văn minh, cường thịnh.
Nguồn daidoanket.vn