Căn bệnh 'tử thần thời 4.0', mỗi năm có 200.000 người Việt mắc phải

  • 10/11/2023 14:47:09

Mỗi năm, khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ tại Việt Nam, chủ yếu trên 65 tuổi. Người bệnh có thể bị yếu liệt, tê, mất cảm giác, mất thị lực, ngôn ngữ, hôn mê tùy vào phần não bị tổn thương.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhân T.D.A (69 tuổi) đến cấp cứu trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người. Bác sĩ cấp cứu nhận định ban đầu, đây là trường hợp đột quỵ tắc nghẽn mạch máu não nên chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Sau khi dùng thuốc, sức cơ tay, chân của ông A. đã hồi phục một phần. Ông được tiến hành thủ thuật can thiệp lấy huyết khối cơ học tái thông mạch máu não, sức cơ có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Đến nay, ông tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Đơn vị Đột quỵ của bệnh viện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đột quỵ được đánh giá là “căn bệnh tử thần thời đại 4.0” vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào.

Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi đó, não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần.

Căn bệnh 'tử thần thời 4.0', mỗi năm có 200.000 người Việt mắc phải

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Mỗi phần não đảm nhận một chức năng nhất định như chức năng vận động, cảm giác, thị giác, thính giác... Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù, mất ngôn ngữ, hôn mê,...

Mặc dù đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn bình thường. Trong đó, nhóm yếu tố có thể thay đổi được như hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ... Nhóm yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, gene di truyền.

Đáng lúu ý, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ quan trọng có thể làm tăng khả năng đột quỵ lên gấp 5 lần. Bệnh nhân rung nhĩ cần tuân thủ điều trị, quản lý tốt các yếu tố nguy cơ như đường huyết, mỡ máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ, duy trì cân nặng cân đối để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

Để phát hiện một người rơi vào tình trạng đột quỵ, cần nhận biết và xử trí qua câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay - Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”, hoặc các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST. Trong đó:

F (Face): Người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng.

A (Arm): Yếu liệt tay chân. Kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên, duy trì tư thế duỗi thẳng hai tay ra phía trước để phát hiện sự bất đối xứng khi so sánh hai bên.

S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó, nói đớ hoặc câm lặng.

T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Trong khi chờ xe cứu thương, người thân có thể tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ. Theo đó, đặt người bệnh nằm tư thế an toàn, có thể nằm nghiêng để tránh hít sặc thức ăn hoặc nước bọt do giảm khả năng nuốt.

Chuẩn bị đầy đủ thông tin hồ sơ bệnh lý và thời điểm dùng thuốc sau cùng của người bệnh, không cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì qua đường miệng để tránh hít sặc. Cần ghi nhớ chính xác thời điểm khởi phát triệu chứng để thông báo cho nhân viên y tế nhằm tranh thủ tối đa cửa sổ vàng điều trị tái thông đột quỵ.

Ngoài ra, người bệnh đã bị đột quỵ và được cấp cứu thành công không nên chủ quan mà cần lưu ý khả năng tái phát trong những năm tháng tiếp theo. Những cơn đột quỵ xuất hiện sau thường để lại hậu quả nặng nề hơn.

Linh Giao

Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Căn bệnh 'tử thần thời 4.0', mỗi năm có 200.000 người Việt mắc phải - Sức Khỏe

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều