Phải dạy cả văn hóa, đạo đức và những kỹ năng sống

  • 09/09/2019 10:31:15

Phát biểu chào mừng lễ khai giảng đầu năm học 2019 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn”. Quan tâm hơn nữa tới việc dạy đạo đức, kỹ năng sống thực sự là vấn đề phải thực hiện ngay. Nhưng làm như thế nào lại cần phải có những giáo trình, phương pháp tiếp cận cụ thể trong bối cảnh việc tiếp nhận thông tin của học sinh quá đa dạng và khó kiểm soát.

 

Trao đổi với Lao Động về phát biểu của Thủ tướng, ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đồng tình với việc phải quan tâm hơn nữa tới việc “dạy người”. Tuy nhiên, thực tế vừa qua có những chuyện đang xảy ra trong xã hội đi ngược với thuần phong mỹ tục do ảnh hưởng tác động của nền kinh tế thị trường nên mối quan hệ gia đình với con cái, thầy - trò cũng bị ảnh hưởng không còn trong sáng như ngày xưa nữa. Cuộc sống hiện đại dẫn tới sự phối hợp quan tâm của gia đình - nhà trường con trẻ cũng bị thay đổi.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác đào tạo giáo dục, Ths Lê Thị Loan - nguyên cán bộ Học viện Quản lý Giáo dục - đánh giá: “Thực tế, phải khẳng định giáo dục đã làm rất tốt công tác “dạy người”. Song rõ ràng phương thức giáo dục đạo đức phải thay đổi so với trước đây, ví dụ đưa học sinh học tập bằng hình thức trải nghiệm chứ không còn giáo điều nữa. Nên việc Thủ tướng và lãnh đạo ngành giáo dục nhấn mạnh việc “dạy người” phải được hiểu theo cách phải thay đổi phương thức tiếp cận để hiệu quả cao hơn, tích cực hơn.

Một thực tế rất rõ là cơ sở để dạy đạo đức và kỹ năng sống cho các em học sinh còn đang rất hạn chế cả về phương pháp lẫn cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) - thẳng thắn chỉ ra bốn điểm yếu lớn nhất: “Cái chúng ta thấy thứ nhất về nội dung giáo dục đạo đức và kỹ năng sống chưa có được những bộ tài liệu chính thống, được soạn thảo xây dựng một cách khoa học, đảm bảo yêu cầu cho công tác giáo dục đạo đức và kỹ năng sống. Thứ hai là thời lượng để dành cho hoạt động đạo đức - kỹ năng sống chưa tương ứng với yêu cầu và nhiệm vụ. Hầu hết thời gian chưa phù hợp mà chỉ tích hợp và các hoạt động khác. Thứ ba là phương pháp dạy vẫn thiên về lý thuyết chứ chưa mang tính thực hành cao, chưa được rèn luyện trong thực tế cuộc sống. Cuối cùng là nhân sự trong công tác này cũng chưa được đào tạo một cách bài bản và có kỹ năng tiếp cận phù hợp, nhất là trong thời đại có nhiều thay đổi về nhìn nhận, quan niệm sống dưới sự tác động của công nghệ, internet… Đặc biệt nữa là việc giáo dục này một mình nhà trường cũng không làm tốt được mà cần sự phối hợp của gia đình - dù nói tới vấn đề này nhiều nhưng cách thức lại chưa thực sự gắn kết”.

Từ đó, ông Bình kiến nghị các giải pháp trước mắt phải làm ngay: “Phương pháp giảng dạy phải thay đổi từ chỗ hướng dẫn nên - không nên hoặc cấm đoán, ra lệnh, áp đặt qua các đòi hỏi hoặc bài học khô cứng thì phải chuyển sang đồng hành cùng hoạt động của học sinh. Để cho các con được trải nghiệm, thực hành, được nói lên suy nghĩ của mình… từ đó có sự điều chỉnh nhận thức cho đúng với chuẩn mực của xã hội. Việc này không phải ngày một ngày hai mà phải có thời gian thẩm thấu, bởi vậy buộc phải kiên trì, khoa học.

 

laodong.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Phải dạy cả văn hóa, đạo đức và những kỹ năng sống - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều