Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

  • 17/11/2022 09:08:35

- Người đứng đầu các bệnh viện tuyến cuối và các chuyên gia đều nhận định vấn đề khó khăn nhất của tự chủ bệnh viện đều liên quan đến cơ chế.

Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Đáng chú ý là việc sau 2 năm thực hiện thí điểm, lần lượt 2 bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện theo nghị quyết 33 chuyển sang thực hiện tự chủ một phần theo nghị định 60.

Bệnh viện tự chủ nhưng chưa bao giờ được quyết về giá

Tại cuộc tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/11, PGS.TS Đào Xuân Cơ -Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn mà cơ sở này gặp phải khi thí điểm tự chủ toàn diện.

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

Các vị khách mời tham gia cuộc tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/11.

Bên cạnh tình trạng thiếu trang thiết bị, nhiều vật tư y tế đắp chiếu đã được Dân trí đề cập, theo PGS Cơ, một trong những khó khăn lớn nhất của Bệnh viện ở thời điểm hiện tại là chênh lệch thu chi rất thấp.

"Mặc dù tự chủ toàn diện nhưng giá các dịch vụ hầu hết đều đúng bằng giá của bảo hiểm y tế. Bệnh viện tự chủ nhưng chưa bao giờ được tự chủ về giá mà phải thực hiện theo văn bản pháp quy.

Bệnh viện xác định là bệnh việntuyến cuối, trên 90% bệnh nhân là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này đa phần là người nghèo, người có công nên bệnh viện xác định không thu thêm bất cứ khoản phí nào.

Do đó, dù rất đông bệnh nhân đến khám nhưng nguồn tài chính duy trì hoạt động đầu tư lại rất thấp", PGS Cơ nhấn mạnh.

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo PGS Cơ, một vấn đề rất khó để tự chủ bệnh viện toàn diện là về cơ chế. Ví dụ trong tự chủ toàn diện có tự chủ về giá nhưng luật về giá chưa xong. Hiện ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định để phục vụ an sinh xã hội, không thể nâng giá lên được.

"Không phải bệnh viện ngại làm mà là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng, nếu làm rất dễ khiến bệnh viện dính vào sai phạm. Rõ ràng trong thời gian vừa qua chúng ta rà soát lại các văn bản pháp quy và thấy hiện chưa ổn, ngay cả các thông tư", PGS Cơ nhấn mạnh.

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

Hệ thống máy Pet rất quan trọng để đánh giá giai đoạn bệnh ung thư, giờ nằm không nhưng vẫn phải chăm sóc, bật điều hòa 24/24 để bảo quản máy (Ảnh: H.Hải).

PGS Cơ phân tích thêm, cần cơ chế công khai, minh bạch để giúp Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tốt nhất 3 nhiệm vụ chính trị quan trọng:

- Thứ nhất là tiếp nhận bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên.

- Thứ hai đào tạo nhân lực cho các tuyến.

- Thứ ba là nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới trên thế giới.

Bệnh viện cần cơ chế hơn cần tiền

Tương tự tại Bệnh viện K, theo PGS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, việc thí điểm tự chủ toàn diện đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Trong đó, đáng chú ý nhất là thách thức về nguồn vốn để đầu tư mới trang thiết bị và thách thức về việc tính đúng, tính đủ chi phí y tế.

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

PGS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K.

"Lấy ví dụ, chúng tôi đang xây dựng Bệnh viện K cơ sở 1, mới phần thô đã cần 1.020 tỷ. Nếu tự chủ toàn diện chúng tôi không lo được đến khi xây xong. Hay về trang thiết bị, để đáp ứng được nhu cầu xạ trị chúng tôi cần thêm 10 máy xạ trị nữa, hay máy chụp cắt lớp, máy CT cũng đều đang chạy quá tải. Chúng tôi vẫn đang cố để đáp ứng nhưng không biết sẽ cố được đến bao giờ", PGS Quảng phân tích.

Chuyên gia này cũng đề xuất để Bệnh viện K được tự chủ theo Nghị định 60 (tự chủ chi thường xuyên) để có được nguồn lực đầu tư từ nhà nước trong ít nhất 3 - 5 năm nữa, sau đó mới chuyển sang tự chủ toàn diện thì sẽ dễ dàng và tối ưu hơn cho bệnh viện.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhận định, các bệnh viện công lập hiện vẫn nên tự chủ ở mức 2, mức 3 thay vì tự chủ toàn diện vì những lý do sau:

Thứ nhất, một loạt các văn bản pháp quy để phục vụ tự chủ toàn diện vẫn chưa có.

Thứ hai, tự chủ quá mức vô tình tư nhân hóa các bệnh viện công. "Tôi không ủng hộ việc tự chủ đến mức cao nhất. Vì còn liên quan đến các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội", GS Trí nhấn mạnh.

Từ thực tế của Viện Huyết học trước đây, GS Trí nhận định, các cơ sở y tế cần cơ chế hơn cần tiền.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được tự làm: Rất nguy hiểm!

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra 3 vấn đề khiến các bệnh viện vẫn chưa thể tự chủ toàn diện được:

- Thứ nhất là thể chế chưa đáp ứng nhu cầu tự chủ toàn diện.

- Thứ hai là tổ chức thực hiện có vấn đề.

- Cuối cùng là cơ chế giá.

"Làm sao các bệnh viện tự chủ để đầu tư khi giá của chúng ta vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta không tính toán và giao tự chủ toàn diện khi các bệnh viện vẫn chưa sẵn sàng là lợi bất cập hại", TS Lợi phân tích.

Cũng theo TS Lợi, qua kinh nghiệm giám sát ngành y tế, ông nhận định hiện vẫn chưa có một cơ sở y tế công nào có thể đủ điều kiện để tự chủ toàn diện. Nếu chúng ta không cẩn thận cứ giao tự chủ mà không có đầu tư, không có phúc lợi xã hội sẽ rất nguy hiểm.

"Chúng ta tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được tự làm. Đó là điều rất nguy hiểm", TS Lợi chỉ rõ.

Tự chủ bệnh viện: Không cần thận rất dễ mắc vào "bãi mìn" về cơ chế pháp lý

Bày tỏ quan điểm của mình, TS Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định, tự chủ tài chính là nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động phát triển.

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm

TS Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Thế nhưng tự chủ bệnh viện phải dựa trên cơ sở đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh phải được nâng cao; đảm bảo các bệnh viện vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập tức là thực hiện chính sách an sinh cho xã hội.

"Chúng ta đang gặp vướng mắc về cơ chế pháp lý. Có rất nhiều quy định, nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ mắc vào "bãi mìn" cơ chế pháp lý", TS Quang nhấn mạnh.

Chuyên gia này dẫn chứng nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý ở các bệnh viện tự chủ toàn diện liên quan đến tiền lương, tổ chức cán bộ, mua sắm trang thiết...

"Ví dụ, dù các bệnh viện tự chủ toàn diện, tiền lương vẫn phải theo bảng lương đã quy định. Ngoài lương cơ bản, các bác sĩ có lương tăng thêm nhưng cũng chỉ được ở mức 5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, ở các cơ sở tư nhân thu nhập của các bác sĩ có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng là chuyện bình thường", TS Quang phân tích.

Ngoài ra, liên quan đến giá, có 7 yếu tố cấu thành giá, nhưng có 3 yếu tố chúng ta chưa làm được là sửa chữa lớn liên quan tài sản cố định, khấu hao tài sản, nghiên cứu khoa học.

"Để các bệnh viện tự chủ hoàn toàn chúng ta cần có hành lang pháp lý đầy đủ. Chúng ta cần không còn những "bãi mìn" về cơ chế pháp lý, mà là con đường thênh thang để các giám đốc bệnh viện thỏa sức sáng tạo", TS Quang nhấn mạnh.

Nguồn dantri.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Tự chủ bệnh viện: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được...tự làm - Sức Khỏe

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều